Con tàu Thủ Đô Multimedia với thuyền trưởng Hân Nguyễn đang mạnh mẽ vượt qua những sóng gió, băng qua biển rộng tìm đến những miền đất mới với niềm tin mạnh mẽ chưa ngừng cạn.

Thời điểm năm 2002, Việt Nam chưa tự sản xuất được TV. Nhập công nghệ về cũng mất tối thiểu 2 triệu USD. Một chàng kỹ sư trẻ mới vào làm việc tại Hanel đã “cả gan” xung phong một mình viết phần mềm cho TV màu màn hình phẳng, việc chưa ai từng nghĩ người Việt có thể làm được ở thời điểm đó, trong đề tài độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu thiết kế chế tạo ti vi mầu màn hình phẳng chất lượng cao”.

Và đến năm 2004, chiếc TV màu lần đầu tiên được sản xuất tự chủ tại Việt Nam do kỹ sư Việt Nam tại HANEL sản xuất cả phần cứng và phần mềm đã ra mắt công chúng.Chàng kỹ sư trẻ gây được ngạc nhiên cho giới điện tử lúc đó là Nguyễn Ngọc Hân: “Giá một chiếc TV, nếu tính chỉ mua phần cứng thì chỉ khoảng 20 USD, còn xuất xưởng thì giá phải gấp 5-10 lần. Cái chính là phải tự chủ được phần mềm và thiết kế phần cứng. Nếu chủ động được việc này trong nước thì giá trị gia tăng khi sản xuất tại Việt Nam tăng lên mấy trăm lần”.

Con tàu Thủ Đô Multimedia với thuyền trưởng Hân Nguyễn

Những ngày lập nghiệp thật khó khăn. Để nuôi công ty non trẻ, ban ngày Hân chạy hàng chục km qua đường vành đai 3 đầy bụi cát bắn rát mặt để làm việc, chiều về công ty của mình kiểm tra công việc, sau đó lại sang công ty thứ 3 “cày thêm”.  Nhưng đó là thời gian đáng nhớ vì mình đang đi vào một lĩnh vực mới và đó là động lực để thôi thúc mình cần phải làm được một sản phẩm nào đó có dấu ấn. Và quan trọng, tất cả các sản phẩm mình làm ra, đều bằng năng lực và đội ngũ kỹ sư trong nước.

Thị trường nội dung số còn phát sinh một vấn nạn làm đau đầu các nhà sản xuất là nạn ăn cắp bản quyền, vi phạm bản quyền. Ước tính, hàng năm các nhà sản xuất nội dung tại Việt Nam thiệt hại khoảng 8.000 tỷ đồng vì bị đánh cắp bản quyền. Nhiều bản quyền truyền hình như giải bóng đá C1 phải dừng phát sóng, thiệt hại hàng chục triệu USD cho nhà đài.

Hân và đồng sự lại bước lên chuyến tàu chiến đấu với vấn nạn ăn cắp bản quyền, phát triển giải pháp bảo vệ bản quyền trên môi trường số. Và với giải pháp Sigma Multi-DRM được Cartesian kiểm định và chứng nhận đạt tiêu chuẩn về bảo mật, Thủ Đô Multimedia trở thành 1 trong 20 doanh nghiệp trên thế giới sở hữu giải pháp bảo vệ bản quyền.

Đặc biệt bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực truyền hình chỉ hơn 10 đơn vị toàn cầu có phát minh trong lĩnh vực này. Sigma Multi-DRM như một hàng rào bảo vệ cho doanh nghiệp sản xuất nội dung có doanh thu hàng ngàn tỷ đồng/năm.

“Các nhà sáng tạo như là rễ của một cái cây, nếu rễ đó không được bảo vệ, chăm sóc thì cái cây sẽ bị suy yếu và chết dần. Vì vậy, sau thành công ở lĩnh vực truyền hình, Sigma Multi-DRM đang mở rộng sang các lĩnh vực sở hữu bản quyền trên Internet khác như bản quyền âm nhạc, xuất bản sách điện tử, chương trình nghệ thuật… nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hàng trăm ngàn nhạc sỹ, nhà thơ – nhà văn, nghệ sỹ, ca sỹ…

Đồng thời, giúp thị trường hoạt động lành mạnh, minh bạch và phát triển. Quan trọng hơn nữa, giải pháp này dù rất khó và không phổ biến, nhưng năng lực kỹ sư trong nước tại Thủ Đô Multimedia đã làm được và thương mại thành công”, Hân cho biết.

Nối tiếp hành trình, Hân cho biết, đội ngũ kỹ sư của Thủ Đô Multimedia đang hồ hởi chinh phục biển lớn công nghệ trong năm 2022 với mục tiêu thách thức hơn là tiên phong phát triển truyền hình tương tác, mở ra không gian mới, chân trời mới, mỏ vàng mới cho truyền hình.

Đọc toàn bộ bài viết: TẠI ĐÂY