Những dấu hiệu tích cực từ phía cơ quan chức năng, các nghệ sĩ, các nền tảng phân phối nhạc, người nghe nhạc và sự phát triển của công nghệ đang lóe lên những tia hi vọng để ngăn chặn nạn ăn cắp “chất xám” một cách công khai trên môi trường mạng.
Tâm lý nghe nhạc miễn phí sẽ giết ngành công nghiệp âm nhạc
Nhiều năm về trước, hàng trăm website nhạc số rầm rộ ra đời và chừng ấy số lượng website đóng cửa. Lý do là bởi nạn xem đĩa CD lậu, nghe và tải nhạc “chùa” trực tuyến. Thời điểm đó, không mấy khán giả nghĩ tới việc bỏ tiền túi hàng tháng cho món ăn tinh thần này. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đĩa CD lậu đã lỗi thời nhưng vi phạm bản quyền nhạc số (cụ thể là nghe và tải nhạc “chùa”) vẫn ăn sâu bám rễ vào một bộ phận khán thính giả.
Theo Liên đoàn Công nghiệp Ghi âm Quốc tế (IFPI), vi phạm bản quyền nhạc số trên mạng có nhiều hình thức. Bao gồm: Tạo các cơ sở dữ liệu âm nhạc trên các website hoặc các giao thức truyền dữ liệu FTP (File Transfer Protocol); tải lên và tải xuống file nhạc qua các nhóm trên Internet hoặc chia sẻ nhạc qua mạng lưới ngang hàng Peer-to-peer (P2P). Hành vi vi phạm bản quyền gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả các bên tham gia sản xuất âm nhạc bao gồm: ca sĩ, nhạc sĩ, nền tảng cung cấp nhạc có bản quyền.
Trang nhacso.net đóng cửa sau 10 năm hoạt động.
Khán giả không chịu bỏ tiền nghe nhạc, nền tảng nhạc số không có nguồn thu, nhạc sĩ không có nhuận bút, ca sĩ thể hiện không có tiền. Tất cả các bên tham gia vào quá trình sản xuất và phân phối nhạc đều không sống nổi bằng nhạc số. Trên thế giới, trước đây, ca sĩ, nhạc sĩ sống chủ yếu bằng việc bán đĩa nhạc vật lý và sau này là nhạc số. Còn ở Việt Nam, ca sĩ sống bằng việc đi diễn tại các phòng trà, nhãn hàng, show âm nhạc. Một nhạc sĩ đã phải thốt lên rằng làm nhạc ở Việt Nam như “làm từ thiện”.
Các website nhạc số không chỉ trông chờ vào nguồn thu từ phí dịch vụ hàng tháng của khách hàng. Website nhạc số yêu cầu trả phí đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam là nhacso.net. Năm 2005, nhacso.net là nền tảng có bản quyền đầu tiên ra đời. Đây là dấu mốc quan trọng trên thị trường nhạc trực tuyến trong nước. Nhưng sau hơn 10 năm hoạt động, tháng 10 năm 2016, website này đã chính thức đóng cửa. Sự kiện này cho thấy các website muốn sống tốt bằng nguồn thu trả phí là rất khó khăn và để thay đổi thói quen nghe nhạc “chùa” thực sự không dễ dàng.
Những tia sáng trên thị trường nhạc số
Sau nhiều năm, thị trường nhạc số đã bắt đầu có những vệt sáng. Sự chuyển mình, dù còn chậm, nhưng rất tích cực. Điểm sáng đầu tiên phải kể đến là sự lên tiếng của nhiều nghệ sĩ về vấn nạn bản quyền. Điển hình là ca sỹ Mỹ Tâm, nữ ca sĩ gốc Đà Nẵng rất quyết liệt trong vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm của mình.
Cô thắng thắn chia sẻ với báo chí: “Bản thân tôi thấy các trang nhạc online Việt Nam hiện tại không coi trọng bản quyền của nghệ sĩ. Tôi rất buồn khi phải chứng kiến điều này khi mình đang sống trong thời đại văn minh. Vì vậy tôi chấp nhận là người duy nhất đứng ngoài việc này chứ không đồng tình đi theo cái sai được dù có thế nào“.
Nữ ca sĩ Mỹ Tâm tiên phong trong bảo vệ bản quyền âm nhạc.
Tất nhiên, không phải nghệ sĩ nào cũng có lượng người hâm mộ hùng hậu, tên tuổi đã thành thương hiệu và vị trí vững chắc như Mỹ Tâm để có thể nói không với nghe và tải nhạc lậu. Nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là các ca sĩ trẻ, vẫn phải dựa vào các website nghe nhạc miễn phí để quảng bá sản phẩm của mình đến với công chúng. Dù vậy, đây vẫn là tín hiệu rất tích cực và cần lan toả nhiều hơn nữa.
Điểm sáng thứ hai là sự xuất hiện của các ông lớn trong lĩnh vực phân phối nhạc số như Spotify và Apple Music tại Việt Nam. Apple Music xuất hiện tại Việt Nam sớm hơn (năm 2015) nhưng chưa thực hiện tạo được dấu ấn rõ nét trên thị trường như Spotify (xuất hiện ở Việt Nam năm 2018).
Spotify thổi làn gió mới vào thị trường nhạc số trả tiền của Việt Nam.
Spotify là ứng dụng nghe nhạc số, ra mắt lần đầu tại Thụy Điển năm 2008. Ứng dụng sở hữu hơn 40 triệu bài hát đều có bản quyền. Theo Wikipedia, kết thúc năm 2020, Spotify có hơn 345 triệu người dùng thường xuyên, trong đó gồm 155 triệu người dùng trả phí. Nền tảng này phân chia khoảng 70% tổng doanh thu cho người sở hữu bản quyền nội dung. Spotify nổi trội so với nhiều trang web nhạc số nội địa khác bởi âm nhạc chất lượng cao, có bản quyền, giao diện đơn giản, thuật toán cá nhân hoá danh sách phát nhạc và phí hàng tháng khá thấp, chỉ 59.000 đồng. Sự xuất hiện của các nền tảng nghe nhạc nước ngoài đã thổi làn gió mới cho thị trường nhạc số Việt Nam.
Công nghệ sẽ giải quyết triệt để vấn nạn vi phạm bản quyền
Những dấu hiệu tích cực như có nhiều nghệ sĩ lên tiếng, các nền tảng nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam đã phần nào góp phần giảm bớt vấn nạn vi phạm bản quyền. Tuy vậy, nếu chỉ trông chờ vào các yếu tố này thì chưa đủ bởi việc tìm kiếm, nghe và tải nhạc số “chùa” vẫn còn quá dễ, quá tiện.
Trước thực trạng vi phạm bản quyền nội dung trên không gian mạng, ngày càng tinh vi và khó kiểm soát, vào cuối năm 2020 Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố đang triển khai phối hợp cùng các đơn vị khác để thành lập Trung tâm bảo vệ bản quyền nội dung số, nhằm bảo vệ bản quyền nội dung trên môi trường số. Cuộc chiến bản quyền sẽ là cuộc chiến lâu dài, thế nên việc bảo vệ bản quyền sẽ cần sự phối hợp khăng khít giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Dự kiến trong quý II/2021, Trung tâm bảo vệ bản quyền nội dung số sẽ được thành lập. Trung tâm mới được kì vọng sẽ bảo vệ bản quyền một cách hiệu quả, đảm bảo công bằng cho các đơn vị sản xuất nội dung.
Tuy nhiên, bên cạnh sự quyết liệt của các cơ quan chức năng thì chính các đơn vị sở hữu bản quyền cũng cần nỗ lực tìm kiếm phương án để chủ động ngăn chặn vấn nạn vi phạm bản quyền.
Bên cạnh những hỗ trợ từ chính sách của cơ quan nhà nước, thì hiện nay đã có những giải pháp công nghệ cho phép các nhà sở hữu nội dung có thể chủ động chọn cho mình những giải pháp phù hợp để bảo vệ “đứa con” của mình.
Ông Nguyễn Ngọc Hân – Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Đa phương tiện Thủ Đô (Thudo Multimedia) chia sẻ: “Các đơn vị sản xuất và phân phối nội dung cần chủ động bảo vệ thành quả lao động của mình trên môi trường số. Hiện chúng tôi đã phát triển giải pháp công nghệ Make in Vietnam với tên gọi Sigma Multi-DRM giúp các nhà sản xuất và phân phối nội dung số bảo vệ bản quyền. Hệ thống Sigma Multi-DRM lý tưởng bảo đảm được tính linh hoạt, hoàn toàn minh bạch với người dùng và những rào cản phức tạp để ngăn chặn việc sử dụng bản quyền trái phép.”
Sigma Multi-DRM là giải pháp bảo vệ bản quyền Make in Vietnam được vinh danh tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020. Sigma Multi-DRM đã vượt qua những bài kiểm định gắt gao của Cartesian – tổ chức uy tín hàng đầu thế giới, tuân thủ hoàn toàn các yêu cầu bảo mật của các nhà sản xuất nội dung lớn, giảm thiểu rủi ro về vấn nạn ăn cắp bản quyền nội dung trên mạng.”
Bảo vệ bản quyền vẫn luôn là vấn đề khiến các nghệ sĩ trăn trở. Giải pháp bảo vệ bản quyền bằng công nghệ giúp các nghệ sỹ tập trung toàn bộ tâm huyết vào sản xuất âm nhạc, đảm bảo nhận về những giá trị đúng với chất xám bỏ ra.
Bình luận gần đây